Hồi ức về góc phố ẩm thực Bưu điện Sài Gòn

Ngày trước khu ăn uống trước Bưu điện Sài Gòn không một ông học sinh Taberd (*) nào không biết. Bởi đơn giản là trường Taberd nằm trên đường Nguyễn Du bên hông Bưu điện, chỉ vài bước chân là đã tới khu vực ăn uống nằm trên vỉa hè rộng ở hai bên lối vào Bưu điện.

Continue reading “Hồi ức về góc phố ẩm thực Bưu điện Sài Gòn”

Một ngày còn ở lại Sài Gòn – Nguyễn Hậu

Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương… những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy.

Đường Tự Do
Đường Tự Do

Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. (Cũng có thể vì ngay từ bé tôi đã thuộc và có thể say sưa đàn hát cả trăm bài bolero, tiền chiến…, ắt đó là duyên. Và cả những mơ mộng vẩn vơ của tôi về một Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, Em tôi đi đường lên Catinat… ảnh hưởng từ bố ).

Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại. Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc… Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến).

Nói về Sài Gòn thì một chữ yêu không đủ, có điều gì đấy ngọt ngào và mặn đắng hơn thế trong tim tôi, mỗi ngày đi qua những con đường lộng gió, những “con đường tình ta đi nắng vàng tươi đẹp đẽ…” Dù nó không còn tinh khôi như đã từng nhưng chỉ cần tôi tin vào sự tinh khôi ấy, bằng trái tim nhỏ bé thật hiền, bằng cách góp mỗi bước chân nhẹ nhàng, góp tiếng nói nhỏ nhẹ không tục tĩu chửi bới chém gió ồn ào gây ô trọc, bần tiện hóa lối sống, tôi tin hơi thở của Sài Gòn vẫn sống mãnh liệt.

Sài Gòn hiền là thế nhưng nơi này đã không còn là nơi bao dung, để ai cũng có quyền đến, kiếm ăn, bú mút nhưng vẫn ngoạc mồm chê bai “đồ ăn dở, không có mùa đông, không có Tết” và mang theo những hạt mầm hủy hoại. Sài Gòn đã khắc nghiệt hơn, đã biết thải bớt người.

Những người yêu Sài Gòn đã tìm thấy nhau, dần dần, từng nhóm nhỏ. Họ cùng chọn một cách sống thật lành, nghe những bản tình ca cũ, nâng niu những nét đẹp còn sót lại và dù họ đến từ đâu, tôi tin Sài Gòn cũng ôm họ vào lòng, như đã từng.

Có người nói tôi yêu Sài Gòn như thế tức là tôi “có vấn đề với chính trị”. Với tôi, đó thuần túy là vấn đề Thẩm Mỹ, sâu xa hơn là cái Đạo. Chính trị là trò chơi phe phái của người lớn – thứ trò chơi mà tôi rất ghét. Tôi chọn là đứa trẻ con trong cái thế giới nho nhỏ cùng vài món đồ chơi dễ thương. Thế giới nho nhỏ mà tôi chỉ còn nghe thấy những lời Ái Ngữ.

Một mùa Giáng Sinh nữa đang đến, xứ đạo Sài Gòn bắt đầu rộn rã trang hoàng. Tôi chuyển nhà về gần nhà thờ Tân Định, chiều chiều được nghe tiếng chuông vẳng đến, xuống đường thấy ngay những cửa hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh. Trong căn phòng nhỏ của mình, tôi và vợ nghe những ca khúc thật xúc động của băng nhạc Sơn Ca 3. Tôi mở nhiều đĩa nhạc Giáng sinh kinh điển của thế giới và thật tự hào vì Việt Nam đã từng tạo nên một băng nhạc Giáng Sinh tuyệt vời đến thế. Dẫu Sơn Ca 3 thấp thoáng toàn chia ly, tang tóc của thời ly loạn nhưng hơn hết đó là khát vọng hòa bình, tình yêu và mong cho mọi người Việt Nam đều thương nhau. Nếu nói về dòng nhạc phản chiến tại Việt Nam, có lẽ tôi thích Sơn Ca 3 hơn tuyển tập ca khúc Da Vàng của ông Trịnh.

Những người tình học trò thời ấy đã bỏ lại sau lưng bao mùa Giáng Sinh và bao nhiêu giọt lệ của người yêu? Những lời khấn nguyện về mùa Giáng Sinh chiến tranh ấy vẫn còn được vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm không chỉ Sài Gòn. Nếu chỉ được phép lựa chọn một đia nhạc phản chiến trong tủ đĩa của mình, tôi chỉ chọn Sơn Ca 3, không phải Bob Dylan, Joan Baez, John Lennon hay bất cứ vĩ nhân nào.

Ngày tháng trôi đi qua mau
Mùa sao sáng năm nào
Giờ cũng Noel một mình em thẫn thờ
Quỳ bên hang đá nguyện cầu
Một người chân mây gió
Được sống gần nhau
….

Từ khắp muôn phương lòng thành đang hướng về
Mừng Chúa ngôi hai giáng sinh trên trời cao
Nguyện cầu yên bình nhân thế
Giữ vững tin yêu trọn đời
Bài thánh ca ngọt đầu môi

Quê hương chinh chiến đã lâu rồi
Người ngoài biên cương vẫn miệt mài đi
Mấy mùa Giáng sinh niềm nhớ bâng khuâng tìm về
Hòa theo khúc nhạc mừng Chúa sinh ra đời
……

Lạy Chúa mùa Giáng Sinh xưa
ngày đầu vướng yêu đương
Người ấy hứa với con rằng
Tan mùa chiến chinh
Ngày đó anh về kết đôi

Nhưng từng đêm chiếc lá lìa ngàn
Đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng
Nhân loại còn ngủ say
bên những kiếp người quê hương đọa đày
Ôi đêm thánh vô cùng
lời thương rền khắp muôn trùng
Người mau về đi ! đừng gieo biệt ly!
từng hồi chuông nửa đêm sầu bi

Chiến cuộc mấy mươi năm
mệnh trời bắt gian truân
Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho mùa Giáng Sinh này đến Thanh bình Chúa ơi!

Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho người núi sông rũ áo tang bồng Chúa ơi!

mua-giang-sinh-front
son-ca-3-front
son-ca-3-back

Linh hồn của lịch sử – văn hóa có nên “siêu thoát”? – Đỗ Trung Quân

Givral ngày nay
Givral ngày nay

Givral khai trương đồng thời với tòa nhà Vincom Center. Nó vẫn nằm ở vị trí cũ. Nhưng, tất nhiên, nó không còn như cũ.

Một Givral mới với một lịch sử đi qua quá sâu đậm với người Sài Gòn. Những ai nặng hoài niệm một không gian ấm cúng kiểu Tây hẳn sẽ hoàn toàn lạ lẫm với Givral hôm nay, kiến trúc tổng thể của khối nhà Vincom pha trộn kiến trúc Á- Âu, nó phảng phất đường nét của kiến trúc đâu đó trên đảo quốc Singapore. Givral mới cũng xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ của nó. Giờ đây, dù lộng lẫy, nó chỉ như một quán cà phê hộp có bán bánh ngọt. Thế thôi!

Hóa ra muốn làm văn hóa, hay tìm lại một không gian mà lịch sử tình cờ để lại nơi đây, không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi những người tiếp quản, và tiếp tục nó cần nhiều điều hơn chỉ là nơi “xơi bánh ngọt – uống cà phê”.

Cái lãng phí quan trọng nhất với nội thất hôm nay của Givral, mà dự đoán dễ nhất là không được khác với tổng thể khối nhà Vincom, chính là cái “view” cực quan trọng để nhìn toàn cảnh Nhà hát thành phố [Hạ Viện cũ và Khách sạn Caravelle] đã bị chặn lại bằng một bức tường sử dụng cho …dãy tủ bánh ngọt. Cái góc ngày xưa của Tim Page, phóng viên chiến trường của UPI và Paris Match, hay Horst Faas, người nhận hai giải Pulitzer bằng hình ảnh của chiến trường Việt Nam… cũng là góc đó. Ông Phạm Xuân Ẩn cũng chỉ chọn góc ngồi này.

Nhiều nhân vật báo chí, văn nghệ của Sài Gòn, chia nhau từng góc của Givral. Nhìn sang Continental là Trịnh Công Sơn, là Đinh Cường. Góc nhìn qua trung tâm báo chí nay là tòa nhà Louis Vuitton là của nhóm Trình Bày Diễm Châu , Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Thái, hay của các thi sĩ Nguyên Sa , Trần Dạ Từ …, và vô vàn những nhân vật không thể kể hết tên, từ khi Givral khởi đầu năm 1950. Nếu La Pagode là nơi của giới nghệ thuật, thì Givral là nơi của báo giới trong và ngoài nước trước 1975.

Givral trước khi bị đâp
Givral trước khi bị đâp

Biết là thế, nhưng Givral vẫn cứ “chẳng là thế”, với một nội thất xa lạ, vô hồn với lịch sử từng có của nó. Dù trong thông cáo báo chí của Givral, ai đó đã viết một câu nghe rất ý nghĩa: “Không còn ký ức, đô thị tồn tại thế nào đây?”

Tất nhiên, một đô thị sống động không chỉ sống bằng ký ức, hay hoài niệm. Bởi lẽ, đô thị không phải là di tích. Nó là một cơ thể sống. Givral hôm nay có thể dành cho một thế hệ khác – trẻ , năng động, trong hòa bình.

Những thế hệ nghệ sĩ, nhà báo hôm nay sẽ lại đến ngồi đây để nhìn dòng đời chảy qua thành phố. Nhưng ký ức, văn hóa, hay lịch sử, vẫn phải được tiếp nối, chứ không phải bị ngắt quãng, hay xóa mờ, bởi cảnh quan không có khả năng khơi gợi những dấu ấn đã từng có. Chỉ những bức tranh trên tường chưa đủ để tái tạo cái linh hồn Givral, nếu cảnh quan và hình ảnh xa lạ với nhau.

Dù Givral đã trở lại, khi La Pagode, hay Brodard, không còn cơ hội đó, thì cũng đành phải cứ tiếc nuối rằng, đồng ý cái xác có thể thay đổi, nhưng cái hồn, cái dấu ấn văn hóa và lịch sử 60 năm của nó, phải còn phảng phất đâu đó. Trên một mảng tường, một chiếc bàn, hay một góc ngồi, chứ không chỉ bằng vài dòng “vinh danh trên giấy”.

Cái linh hồn ấy phải không được cho “siêu thoát”!

Đỗ Trung Quân

Câu chuyện về ba thương xá

Câu chuyện về ba thương xá – Galeries Lafayette, Masion Godard (Hà Nội) và Grands Magasins Charner (Sài Gòn)

b385a_anh
Cuối thế kỷ 19, các cửa hàng bách hóa (Grands Magasins, Department Stores) ở Paris xuất hiện nhiều sau sự thành công từ nhiều năm trước của các thương xá Bon Marché, La Smaritaine và Grands Magasins Dufayel, đặc biệt là các cửa hàng sang trọng như Galeries Lafayette và Printemps. Sự phát triển của các cửa hàng bách hóa là do sự thay đổi trong cuộc sống ở nhiều tầng lớp xã hội và số lượng lớn của hàng hóa sản xuất càng đa dạng từ các kỹ nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong xã hội ngày càng phong phú, giàu có hơn ở Anh và Pháp.

Ảnh hưởng của phong cách thương mại mới này lan ra nhiều nơi ở Viễn Đông và đặt nền móng cho các cửa hàng bách hóa xuất hiện đầu tiên ở Đông Dương: Hà Nội và Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Trong diễn văn khánh thành Grands Magasins Charner (Thương xá Tax) ở Saigon của ông Hipube, đại diện công ty “Société colonial des Grands Magasins” ngày 26/11/1924 có đề cập đến kinh nghiệm của phong cách thương mại này ở Galeries Lafayette và Grands Magasins Prinntemps ở Paris:

“…

Cạnh tranh thực sự là linh hồn của thương mại, như các nhà hiền triết các nước đã nói, và không bao giờ qui luật phổ biến này đã tìm thấy được một bằng chứng nổi bật hơn trong các mối quan hệ đã được hình thành ở Pháp, chủ yếu là ở Paris, giữa sự cạnh tranh của các cửa hàng bách hóa lớn và các cửa tiệm nhỏ đặc chuyên..

Tôi có bằng cớ để chứng minh sự khẳng định của tôi, ví dụ nổi bật là một khu vực của Paris mà ai ai cũng biết đến: đó là khu trãi rộng phía sau Nhà hát lớn trên đại lộ Haussman, các tòa nhà từ Galeries Lafayette cho đến những cửa hàng quanh tòa nhà bách hóa Printemps (Grands Magasins du Printemps) trên đại lộ đó không có cửa hàng nào hiện diện hơn hai mươi năm, nghĩa là khi công nghiệp cửa hàng bách hóa mở rộng như quí vị biết.

Ngày hôm nay thì quá thay đổi! Chúng ta hãy thực sự nhìn lại trong suy tưởng, ở cùng một đại lộ này, và chúng ta thấy một thế giới của các cửa hàng nhỏ, xếp cạnh san sát lẫn nhau, với giá thuê được đo theo trọng lượng bằng vàng, bởi vì tất cả những cửa hàng đặc chuyên này phát triển lớn mạnh phần lớn dựa vào sự trỗi dậy của hai tòa nhà kinh doanh lớn nhất của thủ đô. Họ hưởng lợi duy nhất là do số lượng khách hàng chen chúc đông như kiến bị thu hút vào trong khu phố trong suốt những giờ bán hàng của các cửa hàng bách hóa lớn này”..

Phong trào thương mại cửa hàng bách hóa (Grands Magasins, Department Stores) vào Đông Dương trước nhất là ở Hà Nội qua cửa hàng bách hóa Maison Godard ở rue Paul Bert (phố Tràng Tiền ngày nay) và sau đó vào Sài Gòn qua Thương xá Tax.

Thương xá Galleries La Fayette, Paris (Ảnh tác giả)
Thương xá Galleries La Fayette, Paris (Ảnh tác giả)

Sự thành hình của ba thương xá Galeries Lafayette, Maison Godard (Grands Magasins Réunis, Tràng Tiền Plaza) và Grands Magasins Charner (Thương xá Tax) có nhiều điểm giống nhau nhưng số phận của cả ba đều khác hẳn.

Chuyện về Galeries Lafayete

Vòm trần trong Galeries La Fayette nhìn từ lầu ban công (Ảnh tác giả)
Vòm trần trong Galeries La Fayette nhìn từ lầu ban công (Ảnh tác giả)

Tòa nhà Galeries Lafayete được xây dựng và hoàn thành vào năm 1912. Ngày nay Galleries Lafayette là một thương xá, hầu như không du khách nào mà không biết, gồm nhiều cửa tiệm sang trọng ở Paris.

Tòa nhà Galleries Lafayette cao như thương xá Tax và ở vị trí gần nhà hát thành phố Opera Garnier và trạm xe lửa ngầm Metro, gần ngay trung tâm Paris không xa quảng trường La Concorde.

Tôi đến Galleries Lafayette một ngày hè 2014 và thấy người mua sắm đông đảo, sầm uất mà đông nhất là các du khách từ Á châu như Trung Quốc, Nhật, Bắc Mỹ và các nước cận đông.

Không ai có thể tưởng tượng là tòa nhà Galleries La Fayette một ngày nào đó sẽ bị san bằng để xây một nhà cao tầng hiện đại. Trung tâm Paris vẫn cổ kính và không có tòa nhà cao tầng hiện đại nào. Khu thương mại có các tòa nhà hiện đại cao tầng, nơi đặt trụ sở văn phòng của các công ty lớn là khu La Defense, được thiết lập thời Tổng thống Mitterand cách đây khoảng 30 năm, nằm phía bên kia sông Seine, không xa trung tâm Paris. Khu lịch sử cổ kính có kiến trúc xưa đặc trưng của thành phố Paris vẫn được giữ và cũng là lý do chính Paris là thành phố thu hút nhiều du khách nhất thế giới.

Chuyện về GMC và GMR

Thương xá đầu tiên ở Đông Dương – Maison Godard ở Hà Nội
Thương xá đầu tiên ở Đông Dương – Maison Godard ở Hà Nội

Quay trở lại gần Sài Gòn hơn, ở Việt Nam, kiến trúc của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC) trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) từ thập niên 1920 đến 1930, tiền thân của thương xá Tax rất giống như kiến trúc của tòa nhà nổi tiếng ở Hà Nội cùng thời, Grands Magasins Reunis (GMR), ngay trung tâm Hà Nội trên đường Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay), tiền thân của tòa nhà mà ngày nay được gọi là Cửa hàng bách hóa tổng hợp.

Tòa nhà GMC và GMR cùng thuộc sở hữu của một công ty, “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”.

Cả hai ở góc đường, cao như nhau, có chóp là quả cầu và đồng hồ. Nếu nhìn từ phong cách kiến trúc từ ngoài và thiết kế bên trong, ta có thể cho rằng cả hai được thiết kế từ một kiến trúc sư. Bên trong hai tòa nhà, trần vòm qua quả cầu cho ta có cảm tưởng thoáng rộng mên mông, vươn lên trời cao và ánh sáng mặt trời thiên nhiên tỏa vào trong sáng.

Thật ra tòa nhà Grands Magasins Réunis (GMR) ở Hà Nội đã có trước, ít nhất là từ năm 1900, lúc đó được gọi là “Maison Godard”, trong khi tòa nhà Grands Magasins Charner chỉ khai trương vào năm 1924.

Sébastien Godard, sinh năm 1839, là thương gia người Pháp làm ăn ở Hồng Kông cho đến năm 1885, sau đó dời đến Hà Nội. Cũng như hai anh em Ernest Schneider và Francois-Henri Schneider hoạt động trong kỹ nghệ in ấn xuất bản báo chí, sách trong đó có sự hợp tác với các tác giả Việt Nam xuất bản sách, báo chí quốc ngữ, Godard là một thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa được kính nể ở Bắc Kỳ, hội viên và có lúc là hội trưởng Phòng Thương mại Hà Nội. Hai vợ chồng ông sống gần cả đời ở Viễn Đông, thiết lập nhiều cơ sở thương mại khắp Bắc Kỳ mướn nhiều công nhân viên Việt Nam.

Tòa nhà Grands Magasins Réunis với chóp đồng hồ
Thương xá Grands Magasins Réunis với chóp đồng hồ

Vào cuối thế kỷ 19, Godard xây dựng ỏ góc đường rue Paul Bert (Tràng Tiền), Boulevard Dong Khanh (phố Hàng Bài) gần Boulevard Rollandes (phố Hai Bà Trưng) một thương xá lớn nhất Hà Nội với mục đích tiếp cận hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho mọi giới tiêu thụ.

Ở đây, khách hàng có thể đến yêu cầu thiết kế và cung cấp thiết bị như phòng tắm, văn phòng làm việc theo ý muốn. Theo W. Logan (1) thì thương xá này, Magasins Godard, dựa theo kiến trúc của các thương xá ở Paris, Galleries Lafayette và La Samaritaine với vòm trần cao, cầu thang lớn ở sảnh chính dẫn lên các lầu ban công (balcony floors).

Theo thông tin từ các bài vở và báo chí gần đây thì lịch sử tòa nhà thương xá Tax là có từ năm 1880 tức là cách đây 134 năm. Thông tin này các bài đều lập lại lẫn nhau. Nhưng thật ra tư liệu từ nguồn tiếng Pháp tìm được ở Thư viện quốc gia Pháp cho biết là tòa nhà Grands Magasins Charner chỉ có từ năm 1924 sau khi khánh thành ngày 26/11/1924.

Anh Tim Doling, nhà nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn, cho biết thông tin sai lầm này là do công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” sở hữu GMC không biết rõ quá khứ và không giữ các hồ sơ của mình đã đưa ra thông tin sai là tòa nhà thương xá GMC, ở số 135 Boulevard Charner, đã có từ năm 1880.

Thương xá Grands Magasins Charner ở Saigon
Thương xá Grands Magasins Charner ở Saigon

Theo niên giám Đông Dương 1910 (và các năm trước đó) thì số 135 Boulevard Charner là nơi của công ty Bresset et Cie. của ông Bresset và bên cạnh số 137 của ông Muet buôn bán xe đạp và xe hơi. Chỉ vào năm 1914, công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” (sau này là chủ đầu tư công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” xây tòa nhà GMC) mới có mặt ở nơi đây.

Tòa nhà Grands Magasins Charner bắt đầu được xây từ năm 1921 sau khi công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập, mua lại tòa nhà “Maison Godard” ở Hà Nôi và đổi tên là Grands Magasins Réunis với tấm biển đề tên mới trước tòa nhà và sửa sang, xây thêm trần vòm quả cầu và đồng hồ trên nóc. Tòa nhà Grands Magasins Charner ở Sài Gòn được xây theo kiến trúc tương tự như tòa nhà mới Grands Magasins Réunis ở Hà Nội và hoàn thành vào năm 1924.

Khởi đầu

Sau gần ba năm xây cất, ngày khai trương tòa nhà thương xá GMC, báo chí có tường thuật về sự kiện này. Tờ Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) do ông Nguyễn Phan Long làm chủ bút đã tường thuật lại như sau trên số báo ngày 27/11/1924:

“Tối hôm qua, khi màn đêm xuống, một đám đông khổng lồ, chen lấn chung quanh những cửa hàng lịch lãm Magasins Charner, long lanh dưới ánh sáng điện mà kiến trúc đồ sộ ở một góc rất đắc địa của thành phố Saigon Hòn ngọc, giống như một góc của thành phố Ánh sáng (1) xuất hiện nhảy từ dưới đất lên dưới chiếc đủa thần của nàng tiên Pháp: Société Coloniale des Grands Magasins.

Những người hiếu kỳ, lớn nhỏ, đủ mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc, mọi tầng lớp, tụ tập trên các tầng lầu dưới mái vòm khổng lồ bằng bê tông, trước các cửa kính lung linh ánh sáng, nơi trưng bày rất nghệ thuật các hàng đủ loại, sản phẩm đáng hãnh diện của kỹ nghệ Pháp.

Nhưng chúng ta hãy bước vào nào, bởi vì ban tổ chức ưu đãi đối với báo chí nên chúng tôi có giá hơn với đám đông và được cho vào nhóm ưu đãi đặc biệt cho buổi khai trương hôm nay.

Rất nhiều các ông, ăn mặc chỉnh tề không chê được, sang trọng bộ smoking, đón các khách ngay cửa với phong cách thật lịch sự của các nhà kinh doanh trong khi đó đằng sau cửa kính, một đứa bé da đen người máy tự động, mặc áo đỏ – với vạch vàng ở khoan tay áo có chữ S.V.P.L – cười chào mọi người khoe hai hàng rang trắng xóa, tương phản một cách lạ lùng với thân hình bằng gỗ đen của nó. Đứa bé da đen không nói gì ngay cả nó là đứa bé da đen !. Nhưng với một cây gậy nhỏ bằng gỗ mây mà đứa bé đen gõ không ngừng vào mặt kiếng trước mặt nó để gây chú ý: nó nháy mắt, cuối đầu và ngẩng đầu lên, chỉ chỏ từ các ngón tay những tia sáng mầu nhiệm của cửa hàng, ngắn gọn, cử chỉ của nó thật quá hay khiến mọi người đều hiểu hoàn toàn các diễn tả của nó ”Vào đi, vào đi ! nó có vẻ nói với bộ điệu mời gọi câm lặng, nhưng cứ vào đi, các ông và các bà ! Ở đây có tất cả mọi thứ ! Có tất cả mọi thứ cho mọi thị hiếu !”

Quả thật, có tất cả mọi thứ trong các cửa hàng và cái đáng phục là giá rất phải chăng. Công chúng chỉ lúng túng trong sự lựa chọn mà thôi. Thí dụ như dưới tia óng ánh của nữ trang, người ta cứ tưởng như lạc ở một trong những xứ trong giấc mơ mà tuyện Ngàn lẽ một đêm có kể. Và kia là, hầu như không chuyển tiếp, bạn được chở tới một lãnh vực kém phù phiếm về kiến thức và tư tưởng: đó là ánh sáng của tiệm sách.

Xa hơn chút, những người sành ăn uống nhìn một cách thích thú, trong lúc nhép liếm đôi môi, những chai rượu champagne với các nhãn hiệu nổi tiếng nhất, rượu vang loại tốt phô trương hãnh diện nhãn hiệu của mình và xếp thẳng hàng như các binh sĩ trong buổi duyệt binh, trong khi đó những hộp bít qui (biscuit) và mứt xếp chồng lên, nhìn từ trên giống như kim tự tháp tương tự như những Kim tự tháp nổi tiếng ở Ai Cập mà các chiến sĩ công phá binh của Napopleon chiêm ngưỡng.

Tôi quyết định từ bỏ diễn tả mọi thứ trước hết là vì tôi không thể và sau đó là có quá nhiều thứ để nói trong khuôn khổ khiêm tốn của một bài báo.

Ở lầu hai, phía cuối, có một phòng trà (salon de thé) sang trọng. Trà, đó là một cách nói, bởi vì tôi thấy ở đó họ cũng phục vụ rượu champagne, biscuit, bánh ngọt và bánh mì sandwich ngon miệng nữa. Tối nay người ta thấy ở đó đông đảo nhóm người chọn lọc, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của ông Entrope, đại diện cho toàn quyền lúc này đang ở Hà Nội, và rất nhiều nhân vật được biết ở Nam Kỳ. Những người được mời trong buổi khánh thành thưởng thức rượu champagne và bánh ngọt, ngồi chung quanh các bàn nhỏ. Các bà trong môi trường đông đảo này được nhận rõ qua các trang phục trang nhã và vui tươi. Trong sự vui hoạt này, người ta nói chuyện, nói huyên thuyên, cười đùa, và không phải chỉ là các bà nhiều chuyện hơn như chúng ta tưởng.

Lúc này, yên lặng bắt đầu khi ông Hipube, đại biểu của công ty “Société des Grands Magasins” cho một bài diễn văn như sau mà sau khi kết thúc đã được đón chào bởi tràng vỗ tay vang động:

“Kính thưa ông toàn quyền,
Quí ông, quí bà và các bạn hữu

Đại diện cho công ty “Société Coloniale des Grands Magasins”, thuộc L.U.C.I.A (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine) mà tôi được vinh dự làm đại biểu. Tôi thành thật cám ơn tất cả quí vị đã ân cần đáp lại giấy mời của chúng tôi, và rất nhiều chức sắc có tiếng ở thành phố, các ông và các bà mà tôi tụ họp được ở đây chung quanh chúng ta chứng tỏ cho tôi thấy là chúng tôi đã thành công, trước khi mở cửa cho công chúng, đạt được cảm tình của đại đa số dân chúng.

Việc thành lập một cửa hàng bách hóa, như chúng tôi cung cấp cho thành phố Sài Gòn, đã trở thành một điều cần thiết cho xã hội, bởi vì loại hình thức thương mại này đáp ứng khẩn thiết các nhu cầu của cuộc sống hiện đại của một thành phố lớn và nó sẽ chiếm ưu thế một cách nhanh chóng và đi sâu vào phong tục địa phương đến nổi đối với quí vị trong một vài tháng kể từ bây giờ, có vẻ như cửa hàng bách hóa Cnarner đã tồn tại từ lâu rồi và chúng tôi không thể không xây dựng cung điện vĩ đại này của thương mại Pháp.

Tuy nhiên. các quý ông, tôi biết, tôi lặp lại lần nữa là công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn hảo, nhưng tôi muốn đảm bảo với tất cả rằng chúng tôi sẽ để hết sức của chúng tôi vào chăm lo cải thiện tỉ mỉ cửa hàng này, và tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể trình bày giới thiệu cho mọi người không lâu nữa một tòa nhà thương mại hoàn thiện kiểu mẫu được tất cả mọi người ở Viễn Đông bàn tán, và sẽ trở thành một trong những điểm tham quan của Sài Gòn của người nước ngoài khi qua sẽ đến thăm như một bảo tàng kỳ diệu.

Cuối cùng thưa quí vị, tôi muốn nói với quí vị là ngày hôm nay, khi khánh thành Cửa hàng Charner của chúng tôi, thì ngành công nghiệp cửa hàng bách hóa lúc này là cực kỳ thành công trên toàn thế giới, chưa bao giờ và không hề chút nào công nghiệp này phá hủy thương mại xung quanh nó. Thay vì giết chết các doanh nghiệp nhỏ, như nó đã thường bị buộc tội nhiều lần, giờ mọi người có thể thấy ngược lại là những cửa tiệm nhỏ đặc chuyên không những sống được bên cạnh cửa hàng bách hóa lớn (Grands Magasins) mà càng ngày chúng mở rộng và phát triển trù phú thêm hơn.

Cạnh tranh thực sự là linh hồn của thương mại, như các nhà hiền triết ở các nước đều nói, và không bao giờ qui luật phổ biến này đã tìm thấy được một bằng chứng nổi bật hơn trong các mối quan hệ đã được hình thành ở Pháp, chủ yếu là ở Paris, giữa sự cạnh tranh của các cửa hàng bách hóa lớn và các cửa tiệm nhỏ đặc chuyên..

Đến lúc đã trễ rồi, những khách mời rời Grands Magasins rất hài lòng và đều hứa sẽ trở lại mua hàng. Chúng tôi chúc hướng đi của thương xá này sẽ thành công xứng đáng với những cố gắng đáng khen của họ và những hy sinh mà thương xá đã chịu đựng để mang lại cho thành phố chúng ta một tòa nhà xứng đáng với tầm của thành phố”.

Tác giả bài này chắc phải là ông chủ bút Nguyễn Phan Long vì giấy mời cho buổi ra mắt quan trọng gởi báo chí thì phần lớn là chủ bút đi dự. Bài báo này cho ta một hình ảnh về thương mại, quảng cáo, phong cách tiếp thị buôn bán ở thương xá Tax cách đây gần một thế kỷ.

Kết thúc

Một người Sài Gòn với kỷ niệm thương xá Tax bên cạnh cầu thang xưa gần 1 thế kỷ (Ảnh tác giả)
Một người Sài Gòn với kỷ niệm thương xá Tax bên cạnh cầu thang xưa gần 1 thế kỷ (Ảnh tác giả)

Nếu tòa nhà Bách hóa tổng hợp (nhà Godard) ở phố Tràng Tiền được đề nghị phá đi để xây một tòa nhà cao tầng hiện đại làm lợi nhuận cho một công ty hay một nhóm lợi ích thì chắc là sẽ không được sự đồng thuận của người Hà Nội. Ngày nay tòa nhà bách hóa tổng hợp ở Hà Nội là Thương xá Tràng Tiền (Trang Tien Plaza) đã được trùng tu và xây thêm vài tầng lầu và ít nhất vẫn giữ được phong thái kiến trúc cũ.

Trước khi bị phá bỏ để xây cao ốc 43 tầng, tháng 9-2014 là tháng cuối cùng mà khách hàng có thể đến mua hàng ở thương xá Tax, nơi vẫn còn những thiết kế bên trong còn lại của tòa nhà GMC lúc khánh thành 90 năm về trước, nơi mà bao thế hệ người Sài Gòn đã có kỹ niệm nào đó. Ký ức thương xá Tax đã nằm trong lịch sử thành phố này.
Họ đổ xô về mua hàng bán hạ giá và cũng để chia tay một mảnh lịch sử thành phố. Nhiều người chụp hình trong thương xá để ghi lại chút gì kỷ niệm với thương xá Tax hay làm tư liệu sau này.

Một số người nước ngoài, Pháp, Anh và Úc sống nhiều năm ở thành phố Sài Gòn mà tôi quen biết nói rằng không nên coi trọng lợi nhuận trước mắt mà phá đi cái di sản đặc thù hay tổng thể quí giá.

(1) Thành phố ánh sáng tức Paris

Nguyễn Đức Hiệp

Chuyện về bia (La De) Con Cọp

Quảng cáo các sản phẩm bia BGI
Quảng cáo các sản phẩm bia BGI

Đã từ lâu rồi anh chị em bạn bè khi gặp tôi, sau khi biết tôi đã từng làm việc tại hãng BGI, Sàigòn, tức là hãng Brasseries, Glacières d’Indochine, công ty chủ nhà máy nấu La De ở Chợ Lớn, cạnh sân vận động Cộng Hòa (sân vận động Thống Nhất ngày nay – HNVĐ), đều yêu cầu tôi phải viết về La De, kể những giai thoại về La De.

Câu chuyện thường được mọi người nhớ về La De, thường hỏi tôi, là chuyện chai La De lớn đặc biệt gọi là La De Trái Thơm. Theo lời đồn, trong mỗi thùng 6 chai chỉ có một chai Trái Thơm, giá đặc biệt và cũng là quà tặng đặc biệt mỗi khi có khách quý. Ai đã được uống La De Trái Thơm đều khen là ngon đặc biệt, và khen ngon hơn chai La De thường. Thiệt tình mà nói là La De Trái Thơm, La De thường, La De Quân tiếp Vụ cũng là một thứ, vô chai có hình trái thơm thì nó Trái Thơm, vô chai thường thì nó là La De thường, gặp chai Quân tiếp Vụ thì nó biến thành La De Quân tiếp Vụ. Hãng BGI lúc ấy chỉ có nấu hai loại La De thôi :

1) La De thường: vào chai lớn (dung tích 66) thường gọi La De Con Cọp vì chai có cái đầu con cọp màu vàng và để nhãn hiệu Bière Larue.

2) La De 33: nấu thơm hơn, độ rượu nhiều hơn, vị uống đậm đà hơn, vô chai nhỏ (dung tích 33), tên thường gọi là Bia Băm Ba, nhãn hiệu là Bière 33 Export.

Vậy mà có người khen chê cho La De Trái thơm là ngon nhứt, xong đến La De Con Cọp và hạng chót là La De Quân tiếp Vụ. QTV dỡ nhứt vì là cho Quân đội uống. Chẳng qua là cái mã ở ngoài cả. Thế mới biết ở đời chỉ trọng cái bề ngoài. Quý vị nghĩ coi nấu 2 loại Bia đã tóe phở, học xì dầu hơi đâu, BGI đâu có quởn nấu ba bốn loại còn vô chai vô cộ, đổi kíp đổi người. Phức tạp lắm. Nội cách đổi vỏ chai cho hạp với rượu cũng đủ hao tiền. Nhưng cắt nghĩa hổng ai tin. Ông Cụ Bà Cụ tui, hễ khi tui đến nhà chơi, chẳng may lấy La De Quân Tiếp Vụ uống, vì ổng có hàng QTV do mấy chú em tui đem về, thì bà bảo : “Nhà hết La De để mẹ đưa tiền chú Thanh, chú Thanh là anh tài xế phục vụ ông cụ đi mua La De về cho con uống chứ uống chi đồ QTV dở lắm, để các em của con lính tráng nó uống, nó quen rồi.”. Tôi có trả lời cắt nghĩa cho bà hiểu là chỉ có một thứ bả không tin. Thiệt “Bụt nhà hổng thiên” !.

Bia La De 33, La De Con Cọp, La De Quân Tiếp Vụ
Bia La De 33, La De Con Cọp, La De Quân Tiếp Vụ

CÂU CHUYỆN LADE TRÁI THƠM

Lúc ấy là năm 1973, tôi làm chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing), coi luôn phần quảng cáo. Để hà tiện tiền làm nhãn ở Pháp, tôi sử dụng văn phòng quảng cáo của hãng, tôi nghĩ anh họa sĩ văn phòng quảng cáo (chuyên vẽ những fond cho các xe của hãng rồi các anh thợ sơn đồ chép lại) đủ tài nghệ chép lại cái nhãn đặt ở Pháp. Và tôi nhờ anh họa sĩ vẽ lại cái nhãn. Trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons, là loại hoa dùng để thêm cái vị nhẫn đắng vào bia. Nấu bia ngon dỡ là do cái tài thêm ít hoa houblon, cũng như gia vị ngũ vị hương trong nghề bếp núc Việt Nam ta vậy.

Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ổn, vì anh họa sĩ nhà chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon, nên đinh ninh thấy hoa houblon giống trái thơm, cho là Trái thơm, và vẽ giống trái thơm. Các ông giám đốc Tây cũng ba chớp ba nháng, kể cả anh chánh sở trách nhiệm là tui, cũng thế.

Vì thiệt tình mà nói thì có ông nội nào thấy hoa houblon tươi đâu? Biết là houblon nhưng chỉ nhìn thấy hoa dưới dạng khô. Còn các anh kỹ sư nhà máy, các anh nấu rượu (brasseurs – đây là một cái nghề riêng) dân La De thiệt, thì ở nhà máy. Bọn quyết định là dân Văn phòng, dân làm Marketing quyết định mọi việc, bổn phận các anh kỹ sư là sản xuất, chỉ sao làm đúng vậy thôi. Quý vị thấy không, không phải chỉ có trong quân đội mới có cảnh lính văn phòng và lính chiến trường. Nhãn ô kê, gởi đi làm décalques đưa qua Công ty Thủy tinh Việt Nam (Khánh Hội) dán vào chai : 100 ngàn chai mới.

Khi đưa vào nhà máy Chợ Lớn, các lão kỹ sư cười vỡ bụng, “hoa houblon sao giống trái thơm thế nầy”. Nhưng đã nói các quan văn phóng là chánh mà, nên quyết định, cứ trộn chai mới vào với đám chai cũ, lẫn lộn chả ai biết gì đâu, người ta uống La De có ai thèm nhìn nhãn đâu. Chẳng lẽ vất bỏ 100 ngàn chai hay sao ? Vài ông giám đốc còn thày lay dạy đời “Dân Việt Nam không biết uống bia, uống quá lạnh, nhiều khi còn để đông đặc lại (bia đặc), còn thêm nước đá, ngon lành gì, vì vậy trái thơm hay hoa houblon có ai biết chi mô mà ngại ngùng, a – lê ta cứ thế mà làm”. Chàng chánh sở biết thân, im miệng thinh thích, ngậm miệng ăn tiền, phải bảo vệ danh dự anh họa sĩ nhà và danh phong Marketing, dù sao cũng… quê rồi.

Trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons, là loại hoa dùng để thêm cái vị nhẫn đắng vào bia. Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ổn, vì anh họa sĩ nhà chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon, nên đinh ninh thấy hoa houblon giống trái thơm, cho là Trái thơm, và vẽ giống trái thơm.
Nhãn bia La De trái thơm

Nhưng không ai lường được cái tài doanh nhơn của người Hoa, của con buôn. Các chú Chệt nhà mình ở hãng (rất nhiều nhơn viên người Việt gốc Hoa, buôn bán ở Sàigòn phải biết “cỏn Tung Hỏa”, chẳng những biết nói “Quảng Đông Ngữ” mà cũng phải vài tiếng “Tiều châu ngữ” nữa cũng phải “Kít tèo” hay “Mai xín xắn bù chằn ếch” cho giống người ta, nói tóm lại con buôn giới thương mại phần đông là người gốc Hoa nếu không nói là một số rất đông. Thế là tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn gần, hãng La De vừa sản xuất được một thứ La De hảo hạng, La De trái thơm, một thùng chỉ một chai, để tặng các bạn hàng thứ thiệt, thứ ngon lành, thứ chịu chơi.

Cái luật may rủi, tình cờ, thì khi ra chai và vào thùng thì bao giờ Trái thơm cũng có mặt ở mỗi ngày sản xuất, mấy tay cao thủ bán hàng của hãng cứ thế mà sắp cho mỗi thùng một chai, rất là điệu nghệ, và tuyên truyền nguyên tắc của hãng mỗi thùng một chai. Nhưng khi đi giao hàng (bán sỉ) quý vị ấy tự nhiên đề nghị với các bạn hàng biết điệu nghệ thì có thể thêm 2 hoặc 3, thậm chí cả thùng toàn La De trái thơm tùy theo nét điệu nghệ và chịu chơi của thân chủ, “phép vua thua lệ làng” mà lỵ, phép hãng đấy, nhưng thua nghề của chàng. Và cứ thế giòng sông thương mại trôi theo giòng điệu nghệ, ăn nhậu.

Các bars, các quán nhậu cũng tùy điệu nghệ với các ông Thầy, ông Xếp, đàn anh… mà điệu nghệ giành chai La De Trái thơm cho người mình muốn nâng bi, ca tụng hay ca bài con cá. Cá nhơn tui đây, dân La De thứ thiệt, thế mà khi đi nhậu vẫn được bạn hàng và nhiều khi cả nhơn viên (cho biết khi cái dỏm trở thành huyền thoại thì cái dỏm trở thành cái thiệt) thương tình tặng một chai Trái Thơm. Nhưng mình cũng phải ngậm miệng khen ngon và cám ơn các cảm tình giành riêng ấy, và vì huyền thoại đã đến hồi quyết liệt, làm vỡ “mộng ban đầu”, e có thể “lãnh thẹo”.

Huyền thoại vẫn dai dẳng đến sau 30 tháng Tư, dân bộ đội, hay người “Hà Lội” cũng bị huyền thoại Trái Thơm. Nhiều tay nón cối dép râu, cũng chạy vào văn phòng ông giám Đốc, (sau Tết 1975, tôi được bổ nhiệm làm Giám Đốc Thương mại) làm quen, và xin ông GĐ đặc biệt “tặng không” vài chai Trái Thơm, hoặc thưởng thức Bia Trái thơm “cho biết”. Tội nghiệp, rất nhiều tay vượt Trường Sơn chỉ muốn uống Coca Cola “cho biết” (Tiếng Tây có thành ngữ “pour ne pas mourir idiot” – để khỏi chết ngu đần). Vì ta là quân chiến thắng nên chỉ xin thôi, và chỉ nhận quà cáp, của tặng, chứ không có mua bán gì cả.

XUẤT XỨ CỦA HÃNG BGI

Nhà máy bia BGI
Nhà máy bia BGI

BGI viết tắt của Brasseries (hãng nấu bia) Glacières (hãng nước đá) d’Indochine (Đông Dương) tức là Hãng bia và nước đá Đông Dương. Khởi đầu, BGI thâm nhập miền Nam chỉ với mục đích sản xuất nước đá để tiêu thụ tại một xứ nhiệt đới, do một anh kỹ sư Công Nghiệp (Arts et Métiers – Paris) sĩ quan hàng hải, Victor Larue, giải ngũ tại Sài Gòn thành lập năm 1875. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, BGI bắt đầu chuyển sản xuất bia và nước giải khát. Nhà máy BGI nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là Nhà máy bia Chợ Lớn và Usine Belgique được xây dựng từ năm 1952.

Văn phòng BGI nằm trên đường Hai Bà Trưng cạnh hãng Nước Đá. Đấy là tên cúng cơm. Sau năm 1954, sau khi hết Indochine (Đông Dương), BGI bèn biến chữ I thành Internationales (Quốc tế). Mà Công ty Brasseries Glacières Internationales thiệt sự internationales thứ thiệt. Một ông cựu Tổng Giám đốc, ông Grandjean, con một cựu quan chức thuộc địa ở Hà Nội, còn cá nhơn ông lại là một cựu luật sư thuộc Luật sư đoàn Hà Nội, đã tả BGI bằng một câu xanh dờn, ví BGI như đế quốc của Đại đế Charle Quint thời Phục Hưng ở Âu Châu “Mặt Trời không bao giờ lặn trên đất của hãng BGI”. Mà thiệt vậy, BGI có nhà máy nấu La De từ Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) đến Guayane nằm cạnh Brazil, thì không đi vòng thế giới sao ? Chưa kể ở Phi Châu, Đông Dương và thậm chí có mặt ở một nước Hồi giáo, Indonésia, nhà máy do tôi thương thuyết thành lập ở thành phố Médan trên đảo Sumatra (đây là một tự hào của cá nhơn tôi, thành tích bán rượu cho dân Hồi giáo).

Ngoài Bia 33, BGI còn sản xuất các loại bia mang nhãn hiệu Bière Royale, Bière Hommel (bia nhẹ) và Tiger Beer (người ta thường gọi là “bia con cọp” vì có nhãn hiệu hình con cọp).

Năm 1975, BGI cũng vừa đủ 100 tuổi. Sau khi Sài Gòn đổi tên, chính quyền tịch thu tài sản của chủ Pháp và Nhà máy bia Chợ Lớn trở thành Bia Sài Gòn và Usine Belgique cũng đổi thành Chương Dương, nhưng vẫn là các nhà máy sản xuất nuớc giải khát.

VỀ BIA 33

Về sau BGI cũng từ từ rút các cơ sở nhà máy, bán dần dần và nay không còn gì cả. Chỉ còn có mỗi Bia 33, chai nhỏ 33 phân khối. Tên bia 33 khai sanh tại Hà Nội năm 1949.

Ngày hôm nay Bia 33 cũng tỵ nạn tại Đan Mạch (do Hãng Carlsberg – Đan Mạch sản xuất). Bia 33 vì sanh ở Hà Nội nên dân Sài Gòn vẫn gọi “Bia 33” (gọi theo dung tích), hay vắn tắt “Băm Ba”. Còn chai bia lớn gọi La De Con Cọp, hay La De lớn (vì dung tích 66 phân khối).

Còn bia 333 bây giờ, nếu nhìn kỹ cái nhãn của 333 và 33 hồi xưa thì chỉ thêm số 3 thôi, cái người tác giả của 333 đó là anh Chương lúc bấy giờ ảnh làm trong hãng Marketing với tui (cũng là người vẽ nhãn cho bia LADE trái thơm), ảnh vẽ quẹt thêm số 3 nữa.

BGI đã tự hào là “Một loại bia 5 châu lục” thông qua việc xuất cảng Bia 33 ra khắp thế giới. Trong mẫu quảng cáo dưới đây ta thấy chữ “Bia” được hiển thị qua nhiều ngôn ngữ: Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức), Bir (tiếng Indonesia), Birra (tiếng Ý)…

Nhãn bia La De 33
Nhãn bia La De 33

Nói thì La De, nhưng viết LA VE, cũng vì một anh Tây ở hãng đã viết và cho in trên cuốn lịch phát hằng năm, màu vàng với con cọp nằm ngang màu đen và viết LA VE LARUE. Dân Tây hồi đó khi mới đến Sài Gòn khi vào những quán ăn gặp cái lịch ấy thường đặt câu hỏi cái hãng nào mà “Rửa Đường, rửa Phố” như vậy, vì học đọc Lave (động từ Laver, rửa, to clean, to wash) la rue (rue là đường phố – street). Để tránh cái ngộ nhận ấy, cá nhơn tôi trưởng Marketing bèn đề nghị thay đổi cách gọi trên tấm lịch ấy. Cũng vì trong cùng thời gian ấy, đang có một chương trình sản xuất một loại Bia Màu, Bia màu Nâu (Bière Brune), nên tôi thưòng dùng chữ Bia hơn chữ La De, gọi Bia Đen, Bia Nâu, Bia Màu nó dễ nghe hơn, cho nên Tết năm 1975, cái lịch cố hữu màu vàng, con cọp đen được in lại với chữ BIA LARUE. Năm ấy, mất luôn chữ La De hay LA VE, ôi thôi đó cũng là cái điềm. Có một cái an ủi, là có những bạn hàng không bằng lòng chữ Bia nói là ở dưới quê (guê) người hổng biết bia là gì nên phải giữ chữ La De. Tôi có cho in thêm 5000 tấm La Ve Larue. Ôi thương làm sao cái tình “miệt Dườn” của “quê hương mình”.

Năm 1976, tôi không ra lịch ra liết gì cả. Chế độ phân phối mà làm gì có marketing.

Tên Anh Victor Larue cha đẻ hãng BGI chỉ có ở Chai La De lớn thôi, phần còn lại không ai nói tới. Mà cũng nực cười. Ổng đẻ ra hãng Nước đá, nhưng tên ổng lại đặt cho La De.

Ngày nay với kỹ thuật mới, bia hơi bán trong thùng sắt có thể giữ được 6 tháng. Còn bia chai giữ được một năm. Chả bù vào những năm 1970 ở Sàigòn chúng tôi chỉ bán Bia Hơi cho những quán nào bảo đảm bán hết thùng bia trong 24 giờ. Sau đó đổi thùng mới, súc hệ thống hơi và vòi, mà phải để nhơn viên BGI làm, mới bảo đảm, vì chúng tôi, hãng BGI bảo đảm an toàn, vệ sanh, và dĩ nhiên hương vị của bia. Vì thế ở Sài Gòn lúc bấy giờ rất ít quán có Bia hơi.

Quý bạn chắc còn nhớ quán bán Bia Bock ở Chợ cũ đường Hàm Nghi cạnh Ty Ngân Khố không ? Chiều chiều ra đấy làm vài ly Bock, ăn một hai hột vịt lộn, hay Bò Bía hết xẩy.

Đó là vài mẫu chuyện của Hãng La De, Nuớc Ngọt, Nước Đá thời của mình. Nay tình cờ có một bài báo viết về La De hay Bia tôi xin phỏng dịch và viết lại hầu quý độc giả, gọi là quà tặng khi vào Mùa Hè.

Bài do HNVĐ sưu tầm và biên tập

Nguồn:

  • Tác giả Phạm Văn Song
  • Blogger Nguyễn Ngọc Chính

Kem đánh răng Hynos

Một bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos xưa với hình ảnh đại diện là anh Bảy Chà đen
Một bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos xưa với hình ảnh đại diện là anh Bảy Chà đen

Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem đánh răng Hynos. Lúc đầu, ông chỉ là người làm thuê cho hãng kem Hynos, lúc này Hynos chỉ là một hãng kem nhỏ, ít tiếng tăm do một người Mỹ gốc Do Thái có vợ Việt Nam mở hãng sản xuất kem đánh răng ở Việt Nam. Sau này khi người vợ mất, ông chủ buồn rầu bỏ đi giao lại cho ông vì ông được tiếng là trung thành, cần cù làm ăn.

Vương Đạo Nghĩa, là một người có óc làm ăn cấp tiến kiểu Tây Phương. Ông là người có rất nhiều sáng kiến để quảng cáo hàng của hãng ông trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Trung Hoa vào quảng cáo, sau khi gặp lại người anh họ (con ông bác) ở Hong Kong là tài tử Vương Vũ và được ông mời đến Việt nam nhiều lần trong các dịp nghĩ hè. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử “Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp” hay “anh Bảy Chà cười toe với hàm răng trắng chói” có mặt khắp nơi trên các đường phố, ngõ hẻm. Bên cạnh đó, điệp khúc Hynos cha cha cha… trên đài phát thanh và trên chiếc deux chevaux (2CV) bán hàng tại các chợ Sài Gòn.

Có lẽ ai sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975 cũng đều quá quen thuộc với hình ảnh anh Bảy Chà Và đen trên hộp kem đánh răng Hynos.Vương Đạo Nghĩa chọn hình ảnh một ông Chà Và da thật đen làm biểu tượng quảng cáo cho sản phẩm của mình cũng chính bởi vì nước da ngâm đen sẽ làm nổi bật lên hàm răng trắng, và mục đích của Vương Đạo Nghĩa cho hình ảnh quảng cáo này là: chỉ có dùng kem đánh răng Hynos mới có được hàm răng trắng khỏe như thế. Cũng nói thêm về người Chà Và ở đây là chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)….Chữ Chà Và là cách đọc trại từ chữ “Java”.

Sản phẩm của hãng kem đánh răng Hynos cạnh tranh với các hãng kem Việt Nam hiệu Perlon và Leyna ở miền Nam và kem ngoại quốc như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp). Khi Hynos lên ngôi thì các thương hiệu kem đánh răng khác như Kool, Gibbs, Perlon bị cáo chung. Hynos có mặt khắp nơi tại Việt Nam, Kampuchea, Lào, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông.

kem-danh-rang-hynos-5
Một mẩu quảng cáo kem Hynos với những câu chữ rất mộc mạc, gần gũi

Trong vòng 10 năm, kể từ ngày góp mặt trên thị trường, kem đánh răng Hynos đã từ một cơ xưởng sản xuất nhỏ bé vượt lên thành một xí nghiệp với cá thiết bị sản xuất hiện đại. Sản phẩm của Hynos đã qua mặt các sản phẩm cùng ngành nghề khác trong nước về chất lượng và kỹ thuật sản xuất. Số lượng sản phẩm xuất xưởng đã vượt qua các nhà máy có sản phẩm nổi tiếng và lâu đời như Perlon, Leyna. Kem đánh răng Hynos đã độc chiếm thị trường nội địa và tạo được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trên thị trường Đông Nam Á. Kem đánh răng Hynos đã được bày bán ở các nước lân cận trong vùng Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và được người tiêu dùng rất hoan nghênh. Người ta nói ông chủ Hynos đã không ngần ngại trích ra 50% lợi nhuận cho việc quảng cáo. Có thể nói, đây là một tỷ lệ quảng cáo đột phá và đầy ấn tượng trong bối cảnh nền thương mại của Sài Gòn xưa đang trên đường hội nhập.

Saigon Feb 1969 Hynos sign at market
Bảng quảng cáo của Hynos được đặt cạnh bảng quảng cáo của Perlon ở chợ Bến Thành, đây là hai thương hiệu kem đánh răng cạnh tranh mạnh thời đó

kem-danh-rang-hynos-2
Quảng cáo của Hynos ở khu vực Chợ Lớn

Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Sau đó liên doanh với các công ty nước ngòai và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S. Sau khi nhượng vốn liên doanh cho Unilever, Công ty Hóa phẩm P/S quay lại sản xuất kem Hynos.

Cũng sử dụng lại nụ cười anh Bảy Chà trên vỏ hộp kem, đồng thời làm mới bằng hình ảnh gia đình hiện đại, Hynos đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, dù số lượng chưa thật nhiều.

Hộp kem đánh răng Hynos ngày nay
Hộp kem đánh răng Hynos ngày nay

Hòn Ngọc Viễn Đông tổng hợp

Bánh Trung Thu Đông Hưng Viên

Trước 1945, trục đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn, là trung tâm buôn bán sầm uất. Dọc trục đường này mọc lên dãy phố cao lầu, tửu điếm, hiệu buôn nhộn nhịp người mua kẻ bán, ăn uống, đàn ca hát xướng. Vào mùa trung thu, các loại bánh nướng, bánh dẻo được làm thủ công, bày bán nhưng còn rất thưa thớt. Tới những năm 50 của thế kỷ trước, các quầy bánh trung thu mới bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng cũng chỉ quanh quẩn khu vực Chợ Lớn. Đến những năm 60, bánh trung thu mới được tiêu thụ rộng rãi hơn ở Sài Gòn – Chợ Lớn, và bắt đầu được người dân các tỉnh miền Nam bộ và Trung bộ ưa chuộng. Lúc này, những cái tên Đồng Khánh, Long Xương, Tân Tân, Đại Chúng, Đông Hưng Viên… đã trở thành những thương hiệu quen thuộc với người dân nơi đây.

BÁNH TRUNG THU ĐÔNG HƯNG VIÊN

Một tiệm bánh trung thu ở Sài Gòn trước 1975
Một tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên ở Sài Gòn trước 1975

Ở Sài Gòn ngày trước có một thương hiệu bánh trung thu mà ai cũng biết và đến ngày nay thương hiệu này vẫn còn. Bánh trung thu Ðông Hưng Viên đã danh tiếng hơn một thế kỷ nay, bắt đầu từ phố hàng Buồm Hà Nội (Escalier D’or Hà Nội cũ), sau đó năm 1954 thương hiệu bánh trung thu Đông Hưng Viên theo dòng người di cư đến Sài Gòn và trở thành 1 thương hiệu bánh trung thu gia truyền nổi tiếng của người Việt tại địa chỉ 23, Phan Chu Trinh, cửa Tây chợ Bến Thành và giữ vững cho đến năm 1975.

Bà Hoàng Kim Loan chủ tiệm bánh Đông Hưng Viên tại Hoa Kỳ, là người kế thừa bí quyết làm bánh trung thu gia truyền từ người cha. Ba của bà là thợ chính của tiệm bánh Đông Hưng Viên tại Hà Nội kể cả khi Đông Hưng Viên “di cư” vào Sài Gòn. Ông đã để lại cuốn sổ ghi công thức bánh trung thu Đông Hưng Viên cho bà, cô con gái thứ 7 của gia đình 10 người con. Bà Kim Loan và em gái đã sang Hoa Kỳ định cư cùng với cuốn sổ ghi bí quyết làm bánh của Đông Hưng Viên và bà mở tiệm tại đây.

6816320083_415aa44a66
Một biểu ngữ quảng cáo bánh trung thu Đông Hưng Viên ở Sài Gòn trước 1975

Ở Hoa Kỳ có duy nhất 1 tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên tại địa chỉ: 8536 Westminster Blvd. Westminster, CA 92683. Lúc đầu tiệm bánh Đông Hưng Viên ở Hoa Kỳ nằm tại quận Cam, ra đời năm 1992 toạ lạc tại đường Bolsa. Sau đó đến cuối năm 1995 tiệm bánh Đông Hưng Viên được dời về Westminster.

Ngoài ra ở Sài Gòn hiện nay cũng có một cơ sở bánh trung thu Đông Hưng Viên hiện có ở địa điểm số 176-177, Bãi Sậy, Q6. Nhưng cơ sở này không liên quan đến cơ sở của Đông Hưng Viên tại Mỹ có thể cũng là do gia truyền từ một người thợ chính của lò bánh trung thu Đông Hưng Viên từ trước năm 1975 để lại.

Hòn Ngọc Viễn Đông tổng hợp

Thương xá TAX

Hình ảnh có tháp đồng hồ cổ kính
Hình ảnh có tháp đồng hồ cổ kính

Thương xá Tax có một lịch sử lâu đời và được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa hoa lệ. Tòa nhà cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (này là Ủy ban nhân dân thành phố) góp phần tạo nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”, một “Ville de Sai Gon” tao nhã và sôi động bậc nhất Châu Á thời bấy giờ.

Hình ảnh tòa nhà GMC những năm 40
Hình ảnh tòa nhà GMC những năm 40

Thương xá Tax ngày ấy được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Les Grands Magazins Charner tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.

Cùng với việc kinh doanh tại GMC rất hưng thịnh, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa, đồng thời chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa.

Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu Dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê vị trí để buôn bán. Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, hàng hóa không khác mấy so với trước, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.

Hình ảnh tòa nhà Tax vào thời VNCH
Hình ảnh tòa nhà Tax vào thời VNCH

Sau ngày 30/4/1975 tòa nhà Thương xá Tax được giao lại cho UBNDTP, Tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất.

Đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/1978, một lần nữa Thương xá Tax được đổi tên thành Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố, với đội ngũ mậu dịch viên khăn quàng đỏ, đánh dấu sự náo nhiệt trở lại của tòa nhà tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian trầm lắng.

Hình ảnh thiếu nữ với khăn quàng đỏ
Hình ảnh thiếu nữ với khăn quàng đỏ

Đến năm 1981, trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà trước đó, UBNDTP quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng việc phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng và tòa nhà là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại một cách bền vững và lặng lẽ. Tuy nhiên, dấu ấn thời gian ngày một in hằn trên từng cây cột và từng mảng tường… bản thân tòa nhà cần được đầu tư sửa chữa một cách tổng thể.

Những năm cuối thập niên 90 của Thế kỷ 20, tòa nhà một lần nữa được cải tạo và chuẩn bị cho giai đoạn buôn bán tấp nập, thịnh vượng mới. Thời điểm này, tòa nhà trở thành một trung tâm giao dịch thực sự, hàng hóa tại đây vô cùng phong phú, từ hàng may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện. Việc giao thương với người Nga rất được chú trọng nên thời kỳ này tòa nhà còn có một tên gọi khác là “chợ Nga”.

Ngày 18/10/1997, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố được đổi tên thành Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA)

Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố (1981-1990)
Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố (1981-1990)

Ngày 19/01/1998, dòng chữ THƯƠNG XÁ TAX chính thức được đặt trên nóc tòa nhà thay thế dòng chữ Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa.

Hình ảnh giai đoạn sau khi cải tạo mặt tiền
Hình ảnh giai đoạn sau khi cải tạo mặt tiền

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại do người nước ngoài đầu tư và quản lý, một lần nữa áp lực cạnh tranh đã buộc Thương xá Tax phải tự làm mới mình.

Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại mang tên THƯƠNG XÁ TAX được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà đã đáp ứng được sự mong đợi của lãnh đạo cũng như đông đảo nhân dân thành phố và du khách đến từ khắp nơi trên Thế giới.

Tòa nhà với câu chuyện hơn “100 năm lịch sử” đã và đang là một trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam; một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Thành Phố Hồ Chí Minh, kết nối với những di tích vang bóng một thời như: Bưu điện Trung tâm Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn Thành phố, Chợ Bến Thành, Dinh Độc lập và các Bảo tàng đã và đang cùng nhau góp phần quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam nói chung và Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng đến với bạn bè thế giới.

Hình ảnh Thương xá Tax năm 2003
Hình ảnh Thương xá Tax năm 2003

Nguồn: Thương Xá Tax website

Bức tượng Gambetta

Bạn có biết, thời Pháp, ở Sài Gòn đã từng có một tượng đài ở giữa giao lộ Lê Duẩn và Pasteur ngày nay?

Đó là bức Tượng Gambetta.

Tượng Gambetta tại đại lộ Norodom
Vị trí 1: Tượng Gambetta tại giao lộ Norodom và Pasteur

Tượng Gambetta tại Sài Gòn ban đầu nằm giữa đường Norodom (nay là Lê Duẩn) và Pellerin (nay là Pasteur). Sau đó khi kinh đào Charner bị lấp để trở thành Đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ), và Chợ cũ ở đại lộ Charner bị dỡ bỏ, thì khu đất Chợ cũ được cải tạo thành Quảng trường Gambetta, với tượng đài Gambetta được dời về đây, đặt ở gần phía cuối Quảng trường.

Quảng trường Gambetta tại vị trí chợ cũ
Vị trí 2: Quảng trường Gambetta tại vị trí chợ cũ

Quảng trường Gambetta (còn được gọi là Quảng trường Chợ cũ) nằm giữa 4 con đường: mặt trước là Đại lộ CHARNER (Nguyễn Huệ ngày nay), mặt sau là Đường GEORGES GUYNEMER (sau này là Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu), phía bên phải là Đường VANNIER (nay là Ngô Đức Kế) và bên trái là Đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều), nơi sau này có trụ sở Ngân Khố và Học viện Ngân hàng TPHCM. Vị trí tượng Gambetta trong hình 2 chính là vị trí hiện nay của tòa nhà Bitexco 68 tầng.

Khi trụ sở Kho Bạc được xây dựng trên khu đất này thì tượng Gambetta được dời về Công viên Tao đàn (khi đó mang tên Parc de Maurice Long hay Jardin De Ville, và người Việt hồi đó quen gọi là “Vườn Ông Thượng” hay “Vườn Bờ-rô”). Tượng Gambetta gần phía sau sân banh Tao Đàn.

Tượng Gambetta tại vườn Bờ-rô
Vị trí 3: Tượng Gambetta tại vườn Bờ-rô

Theo ông Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa thì năm 1945 khi Nhật đến VN, “chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được…”

SƠ LƯỢC VỀ GAMBETTA

Léon Gambetta sinh ngày 2/4/1838 tại Cahors và mất ngày 31/12/1882 tại Sèvres (“thọ” 44 tuổi). Ông là một danh nhân chính trị gia Cộng hoà Pháp, làm Thủ Tướng (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) từ 1881-1882, vào khoảng thời gian Pháp sắp bắt đầu đặt nền đô hộ trên đất nuớc VN. Ông cũng thuộc phái các chính trị gia ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa cho Pháp quốc, do công trạng này mà Gambetta đã được dựng tượng tại Sài Gòn là thủ phủ của Nam kỳ là nơi đã bị Pháp chiếm sớm nhất.

Ảnh và Lời bình: manhhai

Bùng binh Hồ Con Rùa

Hồ Con Rùa từ đường Trần Cao Vân nhìn qua đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần)
Hồ Con Rùa từ đường Trần Cao Vân nhìn qua đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần)

VỊ TRÍ

Nguyên thủy ban đầu, tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, vào năm 1790 là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Về sau vua Minh Mạng đổi tên thành cửa Vọng Khuyết. Tuy nhiên sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) thì vào năm 1837, nhà vua đã cho phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng. Vị trị cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành và nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông.

LỊCH SỬ: HỒ CON RÙA TRƯỚC ĐÂY TỪNG LÀ THÁP NƯỚC, SAU ĐÓ LÀ CÔNG TRƯỜNG CHIẾN SĨ TRẬN VONG RỒI MỚI TRỞ THÀNH HỒ CON RÙA NHƯ BÂY GIỜ

Vào năm 1878, tháp nước được xây tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng gọi là Công trường Tháp Nước (Place de Château d’eau). Tháp xây kiên cố, khá cao, có thang hình xoắn ốc dẫn lên tới đỉnh.

Tháp nước tại vị trí bùng binh Hồ Con Rùa năm 1878
Tháp nước tại vị trí bùng binh Hồ Con Rùa năm 1878

Đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ do không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu cung cấp nước nữa. Vị trí này trở thành giao lộ như ngày nay, với tên gọi là Công trường Maréchal Joffre (cắt giao lộ là đường Testard – nay là đường Võ Văn Tần – và đường Larclauze – nay là đường Trần Cao Vân).

Ngày 11/11/1927, người Pháp đã cho xây dựng tại vị trí này một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất. Trong cuộc chiến tranh này, khoảng 9 vạn người Đông Dương – mà phần đông là người Việt Nam – bị Pháp bắt đưa sang châu Âu để đánh nhau với Đức hoặc làm việc trong các cơ xưởng quân sự. Công trình này được gọi là công trường Chiến sĩ trận vong hay công trường Ba Hình.

Công trường chiến sĩ trận vong với tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng và một hồ nước nhỏ được xây dựng năm 1927 để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất
Công trường chiến sĩ trận vong với tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng và một hồ nước nhỏ được xây dựng năm 1927 để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất

Sau đó, công trường này mang tên Thống chế Joffre (1852-1931), người từng cầm quân xâm lược nước ta ở Bắc Kỳ. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956, sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì tượng này cũng bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

Tượng đài ba binh sĩ Pháp để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất bị dở bỏ vào năm 1956 trong thời VNCH
Tượng đài ba binh sĩ Pháp để tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong thế chiến thứ nhất bị dở bỏ vào năm 1956 trong thời VNCH

Công trường Chiến Sĩ (1964), lúc này tượng đài ba binh sĩ Pháp đã bị dở bỏ chỉ còn lại tháp nước nhỏ
Công trường Chiến Sĩ (1964), lúc này tượng đài ba binh sĩ Pháp đã bị dở bỏ chỉ còn lại tháp nước nhỏ

Thời điểm xây dựng Hồ Con Rùa chưa được xác định chính xác. Một số tài liệu cho là nó được xây dựng vào năm 1965, vài tài liệu khác thì cho là 1967. Người thiết kế Hồ con Rùa là kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Mẫu thiết kế của ông được chọn trong cuộc thi tìm quy hoạch mới cho địa danh này (Nguyễn Kỳ nay sống tại Sydney, Australia).

VỀ CÔNG TRÌNH VÒNG XOAY HỒ CON RÙA

Từ 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa thực sự được trùng tu và chỉnh trang trong đó gồm việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng như một bông hoa nhiều cánh, trên đỉnh là 1 hình tròn to tượng trưng cho đồng xu được hứng bởi những cánh hoa đó, hình ảnh này biểu tượng cho bàn tay xoè ra đón nhận viện trợ. Con rùa được làm bằng lá đồng mỏng, ốp trên khung sườn bằng thép góc và thép lá. Vì vậy không tốn kém mấy về vật liệu và dễ thực hiện. Bia trên lưng rùa một mặt thì khắc câu tri ân các quốc gia đã viện trợ, một mặt khắc tên tất cả các quốc gia này.

ho-con-rua
Hình ảnh con rùa bằng đồng với tấm bia trên lưng tại bùng binh Hồ Con Rùa ở Sài Gòn trước 1975

Công trình mới này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm. Vì vậy công trình xây dựng tại vòng xoay hồ con rùa chính là Đài kỷ niệm Viện trợ Quốc tế cho Việt Nam Cộng Hòa tức miền Nam VN trước năm 1975, khi VN còn chia cắt làm 2 phần nam bắc VN.

Hồ Con Rùa năm 1972 với hình con rùa bằng đồng cõng tấm bia tri ân các quốc gia viện trợ cho VNCH.
Hồ Con Rùa năm 1972 với hình con rùa bằng đồng cõng tấm bia tri ân các quốc gia viện trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975

Công trình này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm.
Công trình này còn bao gồm một vòng xoay giao thông và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm

vòng xoay giao thông với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm.
vòng xoay giao thông với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm.

Sau khi xây dựng xong thì ban đầu khu giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế hay bùng binh Hồ Con Rùa vì dứơi chân có một con rùa đội bia.

Đài Viện Trợ Quốc Tế - Hồ Con Rùa 1972
Đài Viện Trợ Quốc Tế – Hồ Con Rùa 1972

Sau năm 1975, các dòng chữ trên tấm bia bị chính quyền mới sơn phủ lên che đi. Đường Duy Tân bị thay tên thành đường Phạm Ngọc Thạch còn đường Trần Quý Cáp đổi thành đường Võ Văn Tần. Vào đầu năm 1976 (hay 1978), tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.

Khu vực vòng xoay hồ con rùa bao quanh bởi các quán cà phê, là nơi tấp nập về đêm và là một trong những vòng xoay có nhiều cây xanh nhất thành phố Hồ Chí Minh.

VỀ GIAI THỌAI HỒ CON RÙA

Theo lời thuật lại của nhà báo ngành Công an Huỳnh Bá Thành (Ba Trung) trong cuốn sách “Vụ án Hồ Con Rùa” (NXB Tuổi Trẻ 1982) thì có các giai thoại truyền miệng kể là vào năm 1967, khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã mời một thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại dinh Độc Lập. Người thầy phong thủy này khen vị trí của dinh là vị trí của long mạch, trấn yểm vị trí của đầu rồng[3]. Cũng theo lời thuật trên thì con rồng này đầu tại dinh Độc Lập và đuôi nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ, tuy phát hưng vượng, nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, vì vậy cần phải cúng yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy nữa thì mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài. Cũng vì thế, mà theo một số người thì kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm (hoặc cây đinh/kim), đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.

Một số người khác thì lại cho rằng kiến trúc tháp lại giống hình đuôi rồng vươn cao, nhưng có con rùa đè chặt ở phần đầu ngọn. Số khác thì lại cho là nhìn từ trên cao xuống thì toàn thể kiến trúc trông giống như một con rùa. Một số người lại đưa giải thích là sở dĩ làm hình con rùa, vì trong dân gian, con rùa mới đội bia (trên lưng rùa lúc đó -xây dựng khoảng năm 1972- có một bia đá ghi công (Xem hình: 1 và2), và nơi đây được thiết kế như một đài tưởng niệm) và ngụ ý “mang ơn”. Nhưng tất cả cũng chỉ là giả thuyết hay là giai thoại thêu dệt thêm.

HNVĐ tổng hợp